The faces of Yangon, Myanmar

December 22, 2017

Myanmar là vùng quốc gia cuối cùng chung dòng chảy Mekong chúng tôi đặt chân đến. Ở đất nước hơn 53 triệu dân này, tất cả đang cựa mình như một hạt mầm vừa tách vỏ sau những thay đổi bước ngoặt về chính trị năm 2011.

Những căn nhà mặt phố, những công trình kiến trúc đẹp đẽ không dấu diếm vẻ hoang tàn, nhưng phần mặt tiền tầng 1 hầu như đã được sơn áo mới nhanh chóng nhập cuộc kinh doanh. Đường phố huyên náo, người lại qua tất bật với vẻ sinh động của đời sống đang sinh sôi.

Xin giới thiệu với các bạn chùm ảnh đời sống thường ngày của người dân Yangon, Myanmar qua cái nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Đông.

“Miến Điện” không phải là phiên âm tiếng hán của cái tên quốc gia Myanmar mà là cách người Trung Quốc gọi tên Myanmar ngụ ý một vùng ngoại thành xa xôi. Còn theo chữ Myanmar, nguồn gốc chưa được sáng tỏ, nhưng có một lý giải cái tên này bắt nguồn từ một chữ trong tiếng Phạn có nghĩa là mảnh đất của Brahma, vì thần Hindu của mọi sinh vật. Vậy nên gọi tên quốc gia này là Myanmar sẽ chuẩn xác hơn cả.

Phiên chợ sáng của người Myanmar. Cây hoa cũng là một loại hàng “thiết yếu” như rau củ, thịt cá.

Nếp sinh hoạt quen thuộc của các quốc gia Đông Nam Á, ăn sáng ngay trên vỉa hè.

Từ con nít đến thanh niên hay người già ở Myanmar đều bôi Thanakha, loại bột được mài ra từ gỗ Thanakha. Với họ, bột thanakha không chỉ là một dạng thảo dược bảo vệ làm đẹp da mà còn mang ý nghĩa mang lại những điều may mắn, tránh những điều xấu cho người được bôi.

Yangon cấm xe máy từ năm 2003. Mặc dù đông đúc và có ùn ứ trong những giờ cao điểm nhưng hầu như không thấy các phương tiện giao thông giành đường, vượt đèn đỏ, chạy cố khi tín hiệu đèn chuyển đổi. Ngay kể cả tiếng còi xe cũng hy hữu mới nghe thấy.

Vài năm trước đây đối với người Myanmar điện thoại phải là Nokia, nước hoa từ Pháp, wishky Scotland và xe hơi Toyota. Nhưng bây giờ đã khác, các thương hiệu toàn cầu như Nescafe đã lũ lượt kéo nhau vào quốc gia này tạo nên một thị trường đầy sức sống.

Tục lệ ăn trầu của người Myanmar vẫn được duy trì cho tới ngày nay. Gái trai, già trẻ đều bỏm bẻm nhai trầu. Trên các con phố, cứ một đoạn lại thấy một tiệm bán trầu đã têm sẵn tương tự như ở đường phố Saigon cứ vài trăm mét lại có một tủ thuốc lá.

Điện thoại di động và internet giờ đã trở thành phổ biến ở Myanmar nơi mà trước đây chỉ chừng 5 năm email gửi đi từ đây cũng bị kiểm duyệt và thẻ nhớ chụp hình của các nhà báo đều bị soi chiếu và sử dụng thủ thuật để hủy dữ liệu trong thẻ.

Longyi là trang phục truyền thống của người Myanmar vẫn được phần lớn người dân sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên với lớp trẻ hoặc những người lao động cần vận động nhiều, chiếc quần jean hoặc quần soọc tiện nghi hơn nhiều.Xe cộ ở Yangon hầu hết là loại tay lái nghịch nhưng lại đi bên phải đường, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn thấy thấy xe tay lái thuận.

Một năm trước, khi chính phủ Myanmar công bố kết quả điều tra dân số chính thức (51,4 triệu người), không ít doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra thất vọng bởi con số mà chính phủ những năm trước đó công bố cao hơn nhiều (60 triệu) khiến họ đánh giá sai triển vọng của thị trường này.

Có đến khoảng 50 đầu báo phổ biến bán hàng ngày tại những sạp báo đầu đường. Báo thể thao, mà cụ thể là bóng đá được rất nhiều người dân quan tâm.

Một con phố nhỏ ở Yangon, buổi sáng là chợ dân sinh tấp nập, tối đến là “bãi nhậu liên hợp quốc” đủ các thành phần màu da sắc tộc ngôn ngữ. Bia Myanmar uống ngon, giá bán tại quán nhậu khoảng 40.000vnd/chai.

Hơn 80% dân Myanmar theo đạo Phật. Ngoài ra, đất nước này còn có các tôn giáo khác như Đạo hồi, Hindu, Thiên Chúa giáo, Do thái giáo, Đa thần giáo… cùng tồn tại hòa bình.

Nghệ thuật múa rối phát triển rực rỡ ở Myanmar vào thế kỷ 18. Những con rối được chế tác vô cùng tinh xảo với nhiều lớp trang phục cầu kỳ và có thể diễn được nhiều động tác sinh động, huyền bí. Một con rối thông thường có khoảng 20 dây để điều khiển, cá biệt có những con rối có tới 60 dây.

Cuối tháng 4, chúng tôi đến Yangon đúng vào dịp hoa dáng hương mắt chim (Pterocarpus indicus), quốc hoa của Myanmar nở rộ sau một cơn mưa. Buổi sáng ngoài chợ rất nhiều người bán và hầu như ai đi chợ sáng cũng mua hoa cài lên tóc. Hỏi một vài người về phong tục này, người thì nói đó là nghi lễ chào đón cơn mưa đầu mùa, người cho rằng hoa dáng hương mắt chim mang biểu tượng của tháng đầu tiên sau tết Thingyan (tương tự tết té nước Songkran của người Thái, Bunpimay của người Lao và Chol Chnam Thmay của người Cambodia) mang lại những điều tốt lành cho con người.

Myanmar, 05/07/2015

______
All rights reserved